Diễn biến Trận_Khâm_Đức

Tấn công Ngok Ta Vak

Từ ngày 9 tháng 5 đến 12 tháng 5 năm 1968, Sư đoàn 2 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến công tiêu diệt Chi khu quận lỵ Khâm Đức và mở đầu bằng trận đánh tiêu diệt cứ điểm tiền tiêu Ngok Ta Vak, cách Khâm Đức 7 km về phía tây nam.[9] Khoảng 18 giờ 30 phút sáng ngày 9/5, cuộc tấn công vào Ngok Ta Vak bắt đầu. Căn cứ này được bảo vệ bởi 1 đại đội dân vệ (khoảng 150 lính), 1 trung đội pháo với 33 quân nhân thuộc Pháo đội D, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 12 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ được chỉ huy bởi 8 cố vấn Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ và 3 cố vấn Úc.

Đến 5 giờ sáng, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tấn công vào hướng đông, lực lượng liên quân gọi trực thăng vũ trang tới oanh kích sát ngay tuyến phòng thủ bên trong, bất chấp khả năng bắn vào quân nhà. Xung quanh Ngok Ta Vak, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam vẫn tiếp tục pháo kích vào căn cứ.

Xác 1 chiếc CH-47 đang bốc cháy

Rạng sáng 10 tháng 5 năm 1968, Đại đội đặc công và Tiểu đoàn 11 Trung đoàn 21 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang huyện Phước Sơn tiếp tục tấn công tiêu diệt các cứ điểm ngoại vi. Bộ đội đặc công tổ chức lực lượng vòng qua hướng Đông để áp sát mục tiêu, chiến sĩ Trần Như Quỳnh mặc dù bị thương nhưng vẫn dũng cảm đánh 2 quả thủ pháo trúng mục tiêu, dập tắt ổ đại liên kháng cự để đơn vị nhanh chóng triển khai đánh chiếm trung tâm chỉ huy và trận địa pháo. Sau 8 phút chiến đấu, Đại đội đặc công đã làm chủ hoàn toàn Trung tâm chỉ huy Ngok-Ta-Vak.

Trung đoàn trưởng trung đoàn 21 ra lệnh cho Tiểu đoàn 40 sử dụng đại đội dự bị chiếm lĩnh trận địa. Đại đội 3 triển khai lực lượng vào vị trí chiến đấu, các chiến sĩ đã kiệu nhau vượt qua hàng rào, phối hợp với Đại đội 2 phát triển đánh chiếm khu gia binh, nhưng vẫn chưa đánh chiếm được khu sân bay trực thăng. Du kích xã Phước Mỹ triển khai lực lượng chốt chặn và truy kích tiêu diệt trên đường 14 qua Đăklây. Du kích xã Phước Công, Phước Chánh có nhiệm vụ ứng cứu, tải đạn và đưa thương binh, tử sĩ về tuyến sau. Du kích xã Phước Năng và Đại đội V71 quân giải phóng huyện chốt chặn từ Ngok-Ta-Vak xuống Khâm Đức và chặn đánh quân Mỹ chi viện từ Khâm Đức lên. Khoảng 8 giờ 30 phút, ngày 10 tháng 5, máy bay Mỹ tiếp tục ném bom vào trận địa của quân ta, lợi dụng lúc đối phó với máy bay ném bom, quân Mỹ cho điều thêm 45 dân vệ đổ bộ xuống tiếp viện. Khẩu đội trưởng Lê Hữu Thời, chỉ huy khẩu đội ĐKZ 75 ly nổ súng bắn cháy 2 máy bay CH-47 khi vừa chạm đất. Du kích xã Phước Năng truy kích, tiêu diệt 1 tiểu đội quân chi viện[11].

Ngok Ta Vak đánh điện yêu cầu được rút lui nhưng ban đầu không được chấp thuận. Sau đó Đại tướng Westmoreland cho rằng trại LLĐB Khân Đức không đủ sức chống lại trước áp lực của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và không muốn căn cứ bị tràn ngập nên ra lệnh di tản khỏi căn cứ bắt đầu từ buổi sáng. Đến trưa, quân phòng thủ bắt đầu đốt tiêu hủy súng ống, khí tài không mang theo được. Qua buổi chiều tướng Westmoreland thông báo cho Không Lực của Hạm đội 7 Hoa Kỳ bắt đầu cuộc di tản bằng vận tải cơ cỡ lớn C-130. Quân Mỹ và VNCH rút lui vội vã khỏi Ngok Ta Vak, phải bỏ lại cả xác đồng đội.[13]

Đến 15 giờ ngày 10 tháng 5, Quân Giải phóng làm chủ hoàn toàn Ngok-Ta-Vak, tiêu diệt và làm tan rã 01 đại đội biệt kích, 01 đại đội bộ binh, 01 trung đội pháo binh, tiêu diệt và làm bị thương gần 200 lính, bắn cháy 2 máy bay, tịch thu 2 khẩu pháo 105 ly, 01 khẩu pháo 106 ly và thu toàn bộ vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng tại cứ điểm Ngok-Ta-Vat[11].

Tấn công Khâm Đức

Trước tình hình nguy ngập của Khâm Đức, phía Mỹ điều Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 196 thuộc Sư đoàn American (tức Sư đoàn bộ binh 23) của Mỹ xuống Khâm Đức, tăng số quân trên chiến trường lúc này lên trên 1.000 lính, nhưng vẫn không dám tung lực lượng ra cứu Ngok Ta Vak vì sợ bị phục kích.

Đêm ngày 11 rạng sáng ngày 12 tháng 5, đặc công Sư đoàn 2, cùng Đại đội đặc công thuộc Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 21 và bộ đội địa huyện phối hợp tác chiến tiêu diệt toàn bộ các cứ điểm ngoại vi, gồm: Đồi phía Tây Nam sân bay; Đồi E; Đồi Trường bắn; Đồi hồ Mùa Thu và Đồi Nghĩa Trang (theo mật danh tác chiến gọi là D-E-H-I-K). Cũng ngay trong đêm 11 tháng 5, các đơn vị pháo tăng cường, gồm: Tiểu đoàn pháo nòng dài 85 mm, Đại đội pháo cao xạ 23 mm, cùng các hỏa lực khác của Sư đoàn 2 do bộ đội huyện dẫn đường đã chiếm lĩnh toàn bộ các cứ điểm ngoại vi D-E-H-I-K và nã pháo dữ dội vào sân bay Khâm Đức. 6 giờ sáng ngày 12 tháng 5 năm 1968, thế trận bao vây của Quân Giải phóng đã siết chặt.

Buổi sáng 12/5, một vận tải cơ C-130 thuộc Phi đoàn 21 Không vận chiến thuật do Trung tá Darel D. Cole cùng với phi hành đoàn bay lên trại, tiếp tế một kiện hàng lớn. Chiếc máy bay vừa ngừng trên phi đạo, hỏa lực Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam bắn tới và chiếc máy bay trúng đạn nhiều chỗ, một bánh bị trúng đạn xẹp, làm chiếc phi cơ không cất cánh được, phải lết vào chỗ đậu.

1 chiếc C-130 bị phá hủy

Chiếc C-130 đầu tiên đáp xuống trại để tổ chức di tản do Thiếu tá Bernard Bucher thuộc Phi đoàn 774 Không vận chiến thuật. Thiếu tá Bucher đem được lên phi cơ hơn 200 người rồi vội vã cất cánh bay lên. Chiếc C-130B bị trúng đạn từ hai khẩu đại liên 12,7mm bắn lên, lảo đảo rơi xuống một khoảng vườn, nổ tung. Chiếc C-130E do Trung tá Bill Boyd đáp xuống tiếp theo. Khi cất cánh ông ta chọn chiều ngược lại và bay thoát. Chiếc C-130 thứ ba đáp xuống, cũng thuộc Phi đoàn 21 do Trung tá John Delmore lái. Chiếc này khi đáp xuống đã trúng đạn đại liên, bay mất phần trên (mái, nóc) của buồng lái, hư hại bộ phận điều khiển động cơ máy bay. Trung tá Delmore, cố gắng lái chiếc máy bay bất kiển dụng đáp xuống phi đạo, rồi tách ra ngoài để khỏi làm trở ngại các phi cơ khác lên xuống phi đạo.

Đến 6 giờ sáng ngày 12 tháng 5 năm 1968, vòng vây của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam càng siết chặt, hỏa lực bắn phá dữ dội vào sân bay Khâm Đức, và đồng loạt tiến công tiêu diệt Chi khu quận lỵ. Để giải vây cho đội quân ở Khâm Đức, Mỹ đã cho máy bay phản lực và trực thăng vũ trang ào ạt ném bom, bắn phá dữ dội, pháo đài bay B-52 liên tục ném bom rải thảm.

Biết không còn cứu vãn được Khâm Đức, Bộ Chỉ huy tác chiến Sư đoàn American ra lệnh cho Tiểu đoàn 2 - Lữ đoàn 196 quân Mỹ và số quân còn lại ở Khâm Đức nhanh chóng lêm máy bay rút lui. Bị tấn công mãnh liệt, số quân Mỹ còn lại phải xuyên rừng tháo chạy, đến 12 giờ trưa ngày 12 tháng 5 năm 1968, cụm cứ điểm Khâm Đức bị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đánh chiếm hoàn toàn. Số lính không lên kịp máy bay nên kẹt lại, phải phân tán ra thành nhiều toán nhỏ, lẩn tránh trong rừng chạy trốn về hướng Đông Nam sân bay, men theo đường 14 chạy về Thượng Đức. Trong số đó, một số đã bị quân Giải phóng truy kích tiêu diệt hoặc bắt sống, chỉ một số ít lính may mắn được trực thăng tìm thấy "bốc" đem về.

Cuối cùng Hoa Kỳ cũng đã di tản xong với số tổn thất hai vận tải cơ C-130, 6 phi cơ khác bao gồm trực thăng, phi cơ thám thính, tất cả chín chiếc bị bắn rơi, gồm 2 trực thăng CH-47 Chinook (AC-475, 469), 2 trực thăng CH-46, 2 vận tải cơ C-130 của Không Quân, 2 trực thăng UH-1 Lục Quân, và 1 máy bay trinh sát O-2. Nhưng trên thực tế, chỉ độ 500 trong số 1400 quân nhân, dân sự chiến đấu trong trại được các phi cơ vận tải Hoa Kỳ di tản.

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố tại Khâm Đức, họ đã diệt hơn 300 quân đối phương, bắt giữ 104 lính khác trong đó có 2 cố vấn Mỹ.[9]. Tính cả trận Ngok Ta Vak, quân Giải phóng đã tiêu diệt và làm tan rã 01 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, 2 đại đội bộ binh quân Sài Gòn và 7 đại đội biệt kích Long Hỗ và Hắc Hổ, tiêu diệt trên 500 lính, bắt sống 104 biệt kích Nùng và 2 Cố vấn Mỹ; bắn rơi 02 máy bay CH-47, 02 máy bay C-130 và 09 máy bay trực thăng chiến đấu; phá hỏng nhiều xe quân sự, tịch thu toàn bộ vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng[11].